HIGHGATE PROPERTY MANAGEMENT

Dịch chưa qua, tháng cô hồn lại đến, thị trường BĐS sẽ ra sao?

Tình hình thị trường bất động sản năm 2020

Có lẽ thị trường BĐS đang bị thử thách khá lớn ở giai đoạn này khi mà vừa phải chống chọi với 2 đợt dịch bệnh liên tiếp, vừa tiến gần đến tháng 7 âm lịch (hay còn gọi là tháng cô hồn). Bởi, thông thường giao dịch BĐS vào tháng này bao giờ cũng trầm lắng do tâm lý “kiêng kị”.

Thời gian qua, dù việc mua bán nhà đất không còn quá "kiêng kị" tháng cô hồn (tháng 7 âm lịch) nhưng dường như tâm lý chung là vẫn "e dè" khi xuống tiền vào tháng này. Đó cũng là lý do, vào tháng 7 hàng năm nhiều doanh nghiệp BĐS khó tiếp cận khách hàng so với các tháng khác trong năm.

Theo số liệu từ Bộ xây dựng, trong quý 1/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát lần 1 các sàn giao dịch BĐS chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, cao điểm có tới 80% sàn tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, trong quý 2, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, các sàn giao dịch BĐS đã phục hồi, nhiều sàn đã hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, với làn sóng Covid-19 mới bùng phát kể từ tháng 7 tại Đà Nẵng lan ra nhiều tỉnh thành trên cả nước thì thị trường BĐS trong các quý còn lại được dự báo không mấy sáng sủa. Chưa kể như hàng năm, quý 3 sẽ có tháng Ngâu hay còn gọi là cô hồn.

Các chuyên gia cho rằng, nếu dịch bùng phát mạnh, các địa phương tiếp tục triệt để việc giãn cách thì thị trường BĐS sẽ lại tiếp tục rơi vào trạng thái tạm dừng. Trạng thái "ngủ đông" này có thể đáng sợ hơn vì sức lực doanh nghiệp đã hao kiệt do làn sóng dịch Covid-19 lần 1.

Trong đó, các yếu tố về tài chính, thu nhập và cả tâm lý thận trọng ngày một tăng khiến sức cầu suy giảm mạnh. Thêm vào đó, tháng 7 cô hồn lại có thể khiến tâm lý mua nhà của người dân giảm đi.

Giao dịch bất động sản trầm lắng

Các doanh nghiệp BĐS cũng không khỏi lo lắng về sức cầu trên thị trường đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh lẫn những tác động tâm lý liên quan đến tháng cô hồn. Nhưng đa số khi được hỏi đều cho rằng, dịch bệnh, các yếu tố ngoại cảnh có thể chỉ diễn ra trong giai đoạn ngắn hạn, còn nguồn lực thị trường BĐS đi dài hạn nên những phương án ứng phó đã được đưa ra trước đó.

Theo kinh nghiệm từ những năm trước, để không ảnh hưởng nhiều đến doanh số bán hàng, vào tháng 7 âm lịch, nhiều doanh nghiệp BĐS đã tung ra các chương trình khuyến mãi mạnh tay nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng trước đó 2-3 tháng. Tuy nhiên, năm nay do thị trường chịu sức đè của 2 đợt dịch nên có thể sức chú ý của người mua trong tháng cô hồn sẽ giảm đi phần nào.

Đánh giá về việc các doanh nghiệp BĐS tung ra nhiều chiêu khuyến mãi khách hàng trước tháng 7 âm, nhiều chuyên gia BĐS cho rằng đây là một việc cần thiết. Những khách hàng không quá chú trọng về việc kiêng kỵ tháng cô hồn nếu thấy có giá cả hợp lý họ vẫn sẽ lựa chọn giao dịch.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, theo như dự báo thìthị trường quý 3 và quý 4/2020 sẽ có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, hiện tại dịch Covid - 19 đang diễn biến rất phức tạp và khó đoán định, qua đó những ảnh hưởng và tác động của dịch bệnh đến thị trường cũng rất khó lường. Nếu phải có một đợt giãn cách xã hội lần 2 (lần 1 vào đầu tháng 4), thị trường sẽ lại tiếp tục rơi vào trạng thái tạm dừng. Trạng thái "ngủ đông" này có thể sẽ còn kéo dài hơn lần trước do các yếu tố về tài chính, thu nhập và cả tâm lý thận trọng ngày một tăng dẫn đến sức cầu suy giảm mạnh.

"Tuy nhiên, tôi tin rằng Chính quyền và TP.HCM đang có những động thái quyết đoán để kiểm soát tốt và ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, từ đó các hoạt động kinh tế xã hội sẽ ổn định hơn so với giai đoạn đầu năm", ông Hoàng nhấn mạnh.

Hạ Vy

Theo Tổ Quốc

>> Thị trường bất động sản có rơi vào trạng thái "ngủ đông"?

Theo dõi bản tin Highgate

HIGHGATE PROPERTY MANAGEMENT